top of page

Làm sao để xây dựng được những nguyên tắc làm việc từ xa của riêng mình?

Đã cập nhật: 2 thg 7, 2024


Với kinh nghiệm 3 năm làm việc từ xa: từ làm việc độc lập, tham gia vào hỗ trợ các cá nhân, đến cộng tác đội nhóm lớn nhỏ… Mình đã xây dựng được một số những nguyên tắc làm việc từ xa cho bản thân, cũng như một số tư duy quan trọng giúp mình vững bước hơn trên hành trình làm việc tự do này.


Trong bài viết này, mình sẽ gửi đến bạn những tư duy, thái độ, nguyên tắc của mình khi làm việc, cũng như cho bạn thêm góc nhìn về cách mình định hình và đúc kết nên những kiến thức đó. Từ đó, bạn có thể tham khảo và đúc kết kiến thức cho bản thân, xây dựng cho mình những nguyên tắc và hiểu biết riêng phù hợp với mục tiêu và định hướng của bản thân.


xây dựng nguyên tắc làm việc từ xa của riêng mình

Tại sao cần có các nguyên tắc và tư duy gốc rễ khi làm việc từ xa?


Theo mình, khi bạn nắm rõ các nguyên tắc của riêng mình, đây sẽ là neo vững chắc để bạn bám vào mỗi khi mông lung và định hướng cho bạn trong trường hợp bạn lạc lối.


Các nguyên tắc không chỉ giúp bạn hiểu rõ bản thân, mà còn giúp người khác biết cách đối nhân xử thế với bạn sao cho đúng vì bản thân bạn đã bộc lộ và thể hiện rõ nét những nguyên tắc ấy.


Làm sao để xây dựng được những nguyên tắc làm việc của riêng mình?


Khi ngồi xuống viết ra những dòng này, thú thật, mình thực sự mơ hồ về chính đề bài mình tạo ra. Mình không rõ liệu những chia sẻ này có đúng là cách thức để xây dựng nên những nguyên tắc làm việc hay không, nhưng đây chính xác là những gì mình đã làm:


  • Suy ngẫm và phân tích: Bạn có tin: Những điều xảy ra với bạn chính xác là những điều cần phải xảy ra không? Mình tin tưởng vào nó. Nên những điều xảy ra với mình, cho dù đó là sự kiện nhỏ hay lớn, mình đều dành sự chú tâm nhất định để suy ngẫm và phân tích nhằm rút ra bài học. Tìm hiểu những gì đã đi đúng, những gì cần cải thiện và tại sao. Phần là để phát triển chính bản thân mình, phần còn lại như một “cái bệnh nghề nghiệp” mà content creator nào cũng có và nên có - họ có độ nhạy cảm và nhạy bén nhất định để biến những diễn biến trong đời sống trở thành chất liệu cho nội dung của họ.


  • Ghi chép và lưu trữ: Đây có lẽ là một trong những thế mạnh của mình. Mình liên tục quan sát và làm việc với bản thân với tần suất hằng ngày, hằng tuần. Bằng cách nào ư?

    • Vào mỗi cuối ngày, mình thường mở ứng dụng note trong điện thoại ra và ghi xuống những gì mình nghĩ, bài học mình có trong ngày. Hoặc mình thường viết một đoạn ngắn và đăng tải lên story Instagram nếu mình thấy nó có ích và muốn chia sẻ đến các bạn theo dõi mình.

    • Vào mỗi cuối tuần, mình thường tổng kết lại những bài học lớn và bổ ích mình học được trong tuần đến các bạn đăng ký bản tin của mình.

    • Vào mỗi cuối tháng, mình thường ngồi xuống để phản tư lại các khía cạnh trong cuộc sống của mình. Đâu là điều mình làm tốt? đâu là điều mình chưa làm tốt? Mình muốn cải thiện và đạt được mục tiêu gì trong tháng tới?

Khi mình đi phỏng vấn ứng tuyển, mình thường nhận được câu hỏi rằng: “Em đã học được gì thông qua công việc và vị trí em làm?”. Mình luôn trả lời được một cách mạch lạc và trung thực, nhờ thói quen liên tục quan sát từng chi tiết nhỏ nhất trong cuộc sống để rút ra bài học cho riêng mình.

  • Chia sẻ và thảo luận: Ngoài ra, mình cũng đề xuất bạn có thể chia sẻ bài học hoặc quan sát của bạn với những người khác, thảo luận và nhận phản hồi. Điều này không chỉ giúp củng cố những hiểu biết của bạn, mà còn có thể cho bạn thêm những ý tưởng và góc nhìn mới. Bởi cùng một câu chuyện, mỗi người sẽ có những góc nhìn, quan điểm, bài học kinh nghiệm hoàn toàn khác nhau. Càng ngồi lắng nghe sâu sắc, hay còn gọi là “deep talk” về một chủ đề nào đó, thông qua từng con người khác nhau mình gặp trong đời sống thường ngày, cũng là cách để mình mở mang thế giới quan của riêng mình.

  • Áp dụng vào thực tế và liên tục cải thiện: Khi bạn liên tục tiếp nạp kiến thức vào, những không tạo cơ hội cho bản thân được thử nghiệm và ứng dụng nó, liệu phương pháp học ấy có hiệu quả lâu dài? Theo mình, nó giống như bạn đổ nước vào thùng nước bị lủng đáy vậy! Cá nhân mình, những kiến thức mình tích lũy được, mình luôn tìm cách để thực hành ngay bằng cách này hay cách khác. Có như thế, mình mới có thể biến những kiến thức của người khác thành của riêng mình được. Nhận thức rằng quá trình xây dựng các nguyên tắc làm việc nói riêng, và hành trình phát triển bản thân nói chung là liên tục. Vậy nên, hãy luôn sẵn sàng học hỏi, thử nghiệm và cải thiện bản thân bạn của bạn. Đừng ngại thử nghiệm và mắc sai lầm, vì đó chính là cách tốt nhất để học hỏi và phát triển.


Một vài những giá trị mình coi trọng


Vậy thì dựa trên các cách thức mình chia sẻ, qua khoảng 3 năm, mình đã tự xây dựng nên các nguyên tắc mình đề cao và coi trọng trong môi trường làm việc nghiêm túc.


1. Bám theo giá trị cốt lõi


Bạn sẽ phải hiểu rõ đâu là những từ khóa, những giá trị cốt lõi của riêng mình mà bạn coi trọng. Đâu là những giá trị mà bạn chắc chắn không bao giờ đi ngược lại.


Khi nắm được những giá trị cốt lõi của chính mình, bạn sẽ trở nên rõ ràng và nhất quán. Và xung quanh hoàn toàn có thể cảm nhận được, gọi tên được và tôn trọng chúng, cũng như bị thu hút bởi những đức tính ấy.


Với mình, đó là ba từ khóa: sự uy tín, sự chân thật, và sự tự do.


Mình rất coi trọng sự uy tín. Một khi uy tín mất đi, thì rất khó để gầy dựng lại. Khi hiểu được tầm quan trọng của sự uy tín, mình luôn cố gắng duy trì và trau dồi tài khoản uy tín của mình qua từng hành động nhỏ:


  • Hứa thì phải giữ lời

  • Đã hẹn thì phải đúng giờ

  • Đã thống nhất deadline, thì phải hoàn thành cho kịp. Nếu không gửi kịp thời, sẽ phải báo lại sớm

  • Uy tín trong việc bảo mật thông tin và dữ liệu…


Giá trị về sự chân thật với mình khi làm việc từ xa là điều rất cần thiết. Chúng ta không thể làm việc cùng những con người ta cảm thấy lấn cấn, thiếu tính kết nối giữa người với người.


Giá trị tự do đang thể hiện ngay ở trong những điều mình lựa chọn theo đuổi. Mình chọn công việc tự do, mình yêu thích sự xê dịch, khám phá những nơi chốn mới, mình thích làm sáng tạo, mình thích gặp gỡ những con người mới v.v

Vậy thì với bạn, đâu là giá trị mà bạn nhất quán theo đuổi?

Điều này sẽ hình thành nên những tính cách cốt lõi, những đặc điểm người khác có thể gọi tên ở nơi bạn, giá trị cốt lõi sẽ giữ bạn lại đúng với những điều bạn tuyệt đối không muốn làm trái đi.


2. Làm hết sức hay làm nửa vời?


Trong lần đọc cuốn “Đúng Việc” của tác giả Giản Tư Trung, mình đã được khai sáng, mở mang về tư duy thông qua một mẫu chuyện ngắn mình xin phép được trích dẫn như sau:


“Hãy thử tưởng tượng bạn đang làm việc cho một công ty. Bạn xứng đáng với mức lương 10 triệu, nhưng công ty của bạn chỉ trả cho bạn mức lương 5 triệu. Trong tình huống đó, nếu không thích thì bạn sẽ từ chối và như vậy không có gì phải bàn tiếp. Nhưng nếu bạn vẫn nhận làm thì bạn sẽ làm việc theo kiểu... mấy triệu?


Đáp án A: kiểu 5 triệu

Đáp án B: kiểu 10 triệu

Đáp án C: kiểu 15 triệu

Đáp án D: kiểu 2,5 triệu

Đáp án E: kiểu 1,5 triệu

Bạn sẽ chọn đáp án nào?


1. Nếu bạn chọn đáp án A – làm theo kiểu 5 triệu – thì bạn được gì và mất gì?


Nếu làm theo kiểu này thì bạn không mất tiền, vì họ trả 5 triệu thì bạn làm theo kiểu 5 triệu, như vậy là "fair". Tuy nhiên, khi làm theo kiểu 5 triệu, thì có thể không mất tiền, nhưng lại "mất mình" (mất uy tín và mất phẩm giá của mình).


Vì trong môi trường làm việc hiện nay thường là trả lương kín, nên người khác sẽ không biết bạn nhận lương bao nhiêu, nhưng họ vẫn thấy bạn làm việc không hết mình (chỉ làm việc theo kiểu "nửa mình") và họ sẽ nghĩ về bạn không hay (bị mất uy tín, bị mất danh dự).


Ta vẫn thường nói với nhau rằng, mình làm ra tiền, chứ đừng để tiền làm ra mình. 

Nhưng khi người ta trả mình 10 triệu thì mình làm theo kiểu 10 triệu, khi người ta trả mình 5 triệu thì mình lại làm theo kiểu 5 triệu. Vậy thì mình làm ra tiền hay tiền làm ra mình đây? Vậy thì mình có còn là mình nữa không hay là mình đã đánh mất mình rồi, đã sống trái với con người của mình rồi?


2. Còn nếu bạn chấp nhận đáp án B – làm theo kiểu 10 triệu thì được gì và mất gì? Nếu làm theo kiểu này thì bạn sẽ bị mất tiền, vì họ trả 5 triệu mà bạn lại làm tới tận 10 triệu, như vậy là thiệt mất 5 triệu. Tuy nhiên, khi làm theo kiểu 10 triệu này thì có thể bị mất tiền, nhưng lại không "mất mình"(giữ được uy tín với mọi người và đặc biệt là giữ được phẩm giá của mình, sống đúng với con người của mình). Vậy người khôn ngoan sẽ chọn làm theo kiểu 5 triệu hay 10 triệu? Nhiều người sẽ có câu trả lời ngay rằng, người khôn ngoan sẽ làm theo kiểu 10 triệu. Đúng vậy.


3. Nhưng thật khó tin là có cả những người dù khả năng của họ là 10 triệu, được trả 5 triệu nhưng khi đi làm thì họ sẽ không làm theo kiểu 5 triệu, cũng không làm theo kiểu 10 triệu, mà sẽ làm theo kiểu 15 triệu. Vì sao vậy? Vì họ hiểu rằng

"Cách tốt nhất để biết mình là ai, đó là hãy quên mình đi khi làm điều gì đó hay khi phục vụ người khác" (Mahatma Gandhi).

Với những người này, họ hiểu rằng, khi làm theo kiểu 10 triệu thì chỉ bị mất tiền chứ không "mất mình" (vì vẫn sống đúng với con người của mình và không mất uy tín với người khác), nhưng lại bị mất một thứ cũng hệ trọng không kém (đặc biệt là với những người chưa tìm ra chính mình), đó là mất đi một cơ hội để biết mình là ai. Do vậy, dù khả năng ở mức 10 triệu và chỉ được trả 5 triệu, nhưng họ vẫn làm theo kiểu 15 triệu. Vì họ luôn xem sự quên mình trong công việc là "cách tốt nhất để biết mình là ai".


Tuy "mất tiền" nhưng có khi lại "được mình" (tìm ra chính mình), điều này là vô giá, nhất là với những người trẻ. Đừng nghĩ rằng họ không phải là người khôn ngoan. Trong trường hợp này, những người làm theo kiểu 15 triệu cũng vì bản thân họ trước hết chứ không hẳn chỉ vì là công ty. Chẳng hạn, họ xem đó là cách để họ đạt được "thành tựu" mà họ đặt ra cho mình trước 30 tuổi là phải biết mình là ai, mình mê gì, ghét gì, mình giỏi gì, giỏi cỡ nào.


4. Trên thực tế, cũng có những người, dù khả năng của họ là 10 triệu, công ty trả cho họ 5 triệu, nhưng khi làm thì họ sẽ không làm theo kiểu 10 triệu, không làm theo kiểu 5 triệu, cũng không làm theo kiểu 15 triệu, mà họ sẽ làm theo kiểu 2,5 triệu thôi, làm theo kiểu xỉu xìu.


5. Chưa hết, cũng có một loại người nữa, dù khả năng của họ là 10 triệu, công ty trả cho họ 5 triệu, nhưng khi làm thì họ sẽ không làm theo kiểu 10 triệu, không làm theo kiểu 5 triệu, cũng không làm theo kiểu 15 triệu nhưng cũng không làm theo kiểu 2,5 triệu, mà họ làm theo kiểu 1,5 triệu nhưng lúc nào cũng "biểu diễn" cho cấp trên và mọi người thấy là họ đang làm theo kiểu 15 triệu.


Những người làm theo kiểu 5 triệu, 2,5 triệu, 1,5 triệu sẽ nghĩ gì về những người làm theo kiểu 10 triệu và 15 triệu?... Còn những người làm theo kiểu 10 triệu và 15 triệu sẽ nghĩ gì về những người làm theo kiểu 5 triệu, 2,5 triệu, 1,5 triệu? Có lẽ họ sẽ không nghĩ gì nhiều, không coi thường, cũng không thương hại, có lẽ họ chỉ thầm tự hào về mình thôi. Bởi lẽ, có khi ngày trước mình cũng thế. Mình chỉ may mắn là nhận ra một số điều sớm hơn những người kia một chút, và nhờ đó, thái độ sống và làm việc của mình cũng khác đi.


Tôi thường nói vui rằng: Nếu là theo kiểu 15 triệu là làm "quên mình", làm theo kiểu 10 triệu là làm "hết mình", thì làm theo kiểu 5 triệu là làm "nửa mình", làm theo kiểu 2,5 triệu là "mất mình" và làm theo kiểu 1,5 triệu là "bán mình". Nói ngắn gọn hơn, làm theo kiểu 15 triệu là "đam mê" hoặc "dấn thân", làm theo kiểu 10 triệu là "trách nhiệm", còn làm theo kiểu 5 triệu, 2,5 triệu và 1,5 triệu là "đối phó".


Và một trong những biểu hiện rõ nhất cho sự đam mê hay dấn thân, đó là, mình sẵn sàng dốc lòng để làm những điều mà ngay cả khi không được trả tiền để làm điều đó. Còn nếu được trả tiền cho những đam mê hay dấn thân của mình thì còn gì bằng!”


Nội dung được trích từ sách "Đúng việc" của tác giả Giản Tư Trung


⇒ Vậy nên khi biết được những giá trị mình có thể nhận lại - tìm được phiên bản tốt hơn của chính mình, thay vì đề cao mức lương thưởng trong công việc, mình đã không ngần ngại cống hiến mà không toan tính thiệt hơn nhiều nữa.


Mình luôn trong tâm thế làm hết sức, tuy cho người khác, nhưng cũng vì cái lợi lớn nhất là “được tìm mình”. Nên hầu như các anh chị mình làm việc cùng, đều có cùng một ấn tượng rằng mình là một bạn trẻ: nhiệt tình, chủ động, có năng lực, có sự uy tín, tín nhiệm để giao cho nhiều trọng trách hơn.


3. “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề” liệu đã còn đúng?


Trên Threads mình đọc được một bài post hỏi rằng người dùng sẽ lựa chọn làm thật tốt 1 nghề hay trở nên đa nhiệm, có thể đáp ứng được đa dạng tác vụ và công việc?


Cá nhân mình đã vote “9 nghề”^^^


Lý do 01: Mình buộc phải đáp ứng được đa nhiệm vụ


Với trường hợp của mình, là một đứa tự học và có sự đam mê về lĩnh vực Digital Marketing, Content Creation, Solopreneur… Nghe đến các từ khóa ấy thôi, để làm việc độc lập trong các lĩnh vực trên, bản thân mình sẽ phải đáp ứng và làm được rất nhiều kỹ năng và tác vụ. Từ thiết kế hình ảnh, viết lách, tạo nội dung, chỉnh sửa video, lên chiến lược và đánh giá hiệu quả, am hiểu các nền tảng mạng xã hội v.v.


Dựa trên trường hợp của mình, là một đứa tự học và có sự đam mê về lĩnh vực Digital Marketing, Content Creation, Solopreneur… Nghe đến các từ khóa ấy thôi, để làm việc độc lập trong các lĩnh vực trên, bản thân mình sẽ phải đáp ứng và làm được rất nhiều kỹ năng và tác vụ. Từ thiết kế hình ảnh, viết lách, tạo nội dung, chỉnh sửa video, lên chiến lược và đánh giá hiệu quả, am hiểu các nền tảng mạng xã hội v.v.


Bởi mình là một người làm việc độc lập, như gánh cả một phòng ban trong công ty vậy. Nếu mình không làm được, và chưa có đủ nguồn lực để outsouces ra bên ngoài, vậy thì mình sẽ trở thành một “nghệ sĩ chết đói”.



Lý do 02: Mô hình phát triển T-shape


Khi nghiên cứu về lĩnh vực Marketing, mình vô tình được biết đến mô hình T-shape của một Marketer nói riêng, hay một cá nhân/ nhân sự nói chung.

Về cơ bản, T-shaped là mô hình mô tả mức độ chuyên sâu về một kĩ năng cụ thể (Deep Expertise) và kiến thức nền tảng rộng ở nhiều mảng khác nhau (Wide Knowledge Base) của một người.


Thanh dọc trên T đại diện cho độ sâu của các kỹ năng và chuyên môn liên quan trong một lĩnh vực duy nhất, trong khi thanh ngang là khả năng cộng tác giữa các kỹ năng khác trong ngành với các chuyên gia trong các lĩnh vực khác và áp dụng kiến thức trong các lĩnh vực chuyên môn khác.


Tùy vào quyết định của mỗi người, và phụ thuộc vào từng giai đoạn trong cuộc đời, họ sẽ lựa chọn phát triển theo chiều sâu, hay phát triển theo chiều rộng. Cho dù quyết định là gì, đến cuối cùng họ vẫn sẽ phải đi về hướng ngược lại để có thể phát triển toàn diện được cả về chiều sâu lẫn chiều rộng.


Nghiên cứu thêm về mô hình T-shape


Điều này sẽ liên quan đến ý thứ 3 mình muốn đề cập đến:


Lý do 03: Tăng khả năng cạnh tranh


Khi bạn có thể vừa đáp ứng được chiều sâu ở lĩnh vực chuyên môn nhất định, vừa có thể mang những kỹ năng cứng, kỹ năng mềm, những kiến thức nền tảng và khả năng đáp ứng, thích ứng cao ở nhiều lĩnh vực khác, bạn dễ dàng gia tăng khả năng cạnh tranh của mình.


Lấy ví dụ, khi mình đi thực tập ở vị trí trợ lý HR, mình không những làm những công việc bàn giấy, giấy tờ, sổ sách, mà còn tham gia vào hỗ trợ tổ chức các hoạt động nhân các dịp lễ và ngày kỷ niệm cho nhân viên và công ty. Lúc này, mình không chỉ cần đến kỹ năng chuyên môn, mà còn kỹ năng giao tiếp, đối nhân xử thế, quay dựng, chỉnh sửa hậu kỳ, lên kế hoạch v.v


Lúc này, mình nhận ra rằng, trong môi trường làm việc công sở và tuyển dụng như hiện nay, nhà tuyển dụng cũng đã yêu cầu ở một cá nhân có khả năng đáp ứng được đa dạng kiến thức và kỹ năng rồi.


Lý do 04: Hãy cho mình được khám phá


Là một người trẻ, đặc biệt bạn đang theo đuổi những lĩnh vực rộng như Digital Marketing v.v Hãy cứ cho bản thân có cơ hội được tự do tìm hiểu rộng rãi, được thử nghiệm và sửa sai. Sau này bạn sẽ biết được mình thích và giỏi hoặc không thích, không giỏi ở mảng nào, từ đó có thể thu hẹp lại cũng chưa muộn.


Thí dụ như Quỳnh Thy, với mảng Digital Marketing rộng như vậy, mình đang lần mò tìm hiểu dần dần, và vô tình bén duyên và thực hành sâu hơn với Social Media Marketing, Content Marketing.


Hay với mảng trợ lý từ xa, mình từ một bạn trợ lý truyền thông, có thực hành và trải nghiệm thêm mảng trợ lý hành chính (admin), trợ lý cá nhân, trợ lý nội dung… trong khoảng gần tròn 2 năm làm việc, mình đã biết được mình làm tốt hoặc không ở mảng nào, thích hoặc không thích ở vị trí nào. Từ đó, mình có thể đưa ra những lựa chọn chắc chắn hơn về định hướng sắp tới.


Lưu ý: Khi bạn có khả năng đa nhiệm, không có nghĩa là bạn phải có trách nhiệm phải làm tất tần tật những gì sếp/ công ty yêu cầu. Bạn sẽ phải đặt ra những tiêu chuẩn và những giới hạn của riêng mình. Bạn sẽ phải học cách từ chối và lên tiếng khi những giá trị bạn nhận được chưa tương xứng hoặc chưa hợp lý với giá trị mà bạn tạo ra.


4. Đi tìm mentor để noi theo


Thú thật, trước đây mình không hề biết đến khái niệm mentor là gì. Mình chỉ lủi thủi tự mày mò, khép mình và không tiếp xúc với ai từ cuộc sống trên mạng lẫn ngoài đời thực.


Khi đã có những thay đổi và chuyến biến về tư duy và hành động. Dường như mọi khía cạnh trong cuộc sống của mình được cải thiện lên nhiều, trong đó có khía cạnh về mối quan hệ. Mình được tiếp xúc với những người giỏi hơn, họ không ngừng nỗ lực và phát triển trong cuộc sống của riêng họ, không những thế, họ còn cùng đồng hành và kéo mình phát triển theo.


Mình gọi đó là những người đồng đội, những người mentors, những quý nhân. Họ giúp mình đi nhanh hơn, không cảm thấy cô đơn, có định hướng hơn, vững vàng hơn.


Vậy nên, nếu bạn chưa gặp được mentor của đời mình, hãy cứ bền bỉ tích lũy và nâng cao giá trị của bản thân. Rồi một ngày người mentor ấy sẽ đến một cách rất tự nhiên và ở đấy đồng hành cùng bạn.


Giờ đây, mình đang ở vị trí của một người mentor đi hướng dẫn, training cho khá nhiều cá nhân khác nhau. Bản thân mình chưa dám nhận mình là một người mentor tốt, nhưng mình đã và đang cố gắng trở thành một người mentor mà mình từng tìm kiếm thuở còn đang mông lung, lạc lối.


Lời cuối


Bài viết lần này là những tư duy, thái độ, nguyên tắc của mình đã tích lũy, đúc kết được xuyên suốt quá trình làm việc. Rồi bạn cũng sẽ định hình và đúc kết nên những kiến thức, bài học của riêng bạn mà thôi. Tin tưởng vào bản thân và hành trình bạn đang theo đuổi, bạn nhé!

Comments


bottom of page