Người trẻ không có kinh nghiệm thì cạnh tranh bằng cách nào?
“Em không có kinh nghiệm làm việc, nhưng nhà tuyển dụng lại yêu cầu có kinh nghiệm, em không biết phải làm thế nào?”
“Làm sao để có kinh nghiệm làm việc khi vừa mới ra trường?”
“Em không có gì nổi bật để cạnh tranh với các bạn khác, em tự ti quá!”
Đây là những câu hỏi, những chia sẻ mà mình thường bắt gặp và được lắng nghe từ những bạn theo dõi mình. Nếu bạn cũng đang có những đắn đo và suy nghĩ tương tự, thì bài viết này chính là dành cho bạn!
Trong bài viết này, mình sẽ cho bạn một số góc nhìn khác, một số gợi ý có thể giúp bạn tích lũy thêm kinh nghiệm làm việc.
Hơn thế nữa, là một số đặc điểm tính cách bạn cần trau dồi, mà nhà tuyển dụng có thể đang tìm kiếm ở một bạn trẻ. Cuối cùng là các mẹo giúp bạn khai thác tối đa trải nghiệm trên hành trình tích lũy kinh nghiệm làm việc của bản thân.
Nào, cũng bắt đầu nhé!
I. Mới ra trường thì làm sao có kinh nghiệm làm việc được?
Thật ra, bạn hoàn toàn có thể tích lũy kinh nghiệm làm việc, gia tăng sự cọ xát từ những năm ở độ tuổi còn ngồi trên giảng đường Đại Học. Nếu như bạn đã ra trường, và đang đọc bài viết này, vậy thì vẫn chưa muộn. Mình ở đây để chia sẻ thêm với bạn một số góc nhìn mới:
Vậy chúng ta có thể tìm kiếm công việc và tích lũy kinh nghiệm ở đâu?
Trước tiên, mình muốn giới thiệu đến bạn khái niệm này. Mình từng đọc được trên Threads và thấy khá hợp lý. Một công việc nên đáp ứng được 2/3 yếu tố sau:
Kinh nghiệm
Mối quan hệ
Lương thưởng
Ghi nhớ điều này, chúng ta cùng bắt đầu với các cách đi tìm kiếm kinh nghiệm làm việc từ con số 0 nhé!
1. Offer làm việc không lương
Thời đại nào rồi mà còn có chuyện làm việc không công? Gượm đã, hãy để mình chia sẻ!
Bản thân mình cũng rất chọn lọc trong câu chuyện đi tìm kiếm cơ hội hợp tác và làm việc. Không phải bạ đâu cũng vào nhận làm. Đặc biệt khi bạn đang trong tâm thế chưa có kinh nghiệm và vội vàng kiếm tiền, bạn sẽ rất dễ dàng trong việc bán rẻ công sức lao động của bản thân. Cũng như bán rẻ đi mức chi phí tối đa cần phải trả trong một công việc hay tác vụ.
Nếu chúng ta không thể đáp ứng được yếu tố mức thù lao, vậy thì công việc ấy sẽ phải đáp ứng được 2 yếu tố còn lại:
Kinh nghiệm làm việc
Mối quan hệ
Khi bắt đầu tham gia vào một công việc nào, đặc biệt là công việc không trả thù lao, mình sẽ phải đặt ra những câu hỏi cụ thể và trả lời, rà soát kỹ càng:
Công việc này có cho mình cơ hội để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và mở rộng mạng lưới quan hệ hay không?
Mình sẽ học được gì từ người mình làm việc cùng?
Người làm việc cùng mình họ có những giá trị tương tự như mình hay không? Họ có tôn trọng và đối xử công bằng, bình đẳng với mình hay không?
Mục tiêu của mình muốn đạt được khi tham gia vào công việc lần này là gì?
Mình có thể tận dụng hay nhận được lại những gì khi trao đổi giá trị với đối phương? (nhận được những lời chứng thực, sự mentoring, training…)
Sau khi tham gia vào công việc này, mình sẽ tích lũy được những gì?
2. Tham gia vào các cuộc thi, tình nguyện
Theo mình, những hoạt động này sẽ phù hợp với những bạn mang xu hướng tính cách hướng ngoại. Bạn có thể tìm kiếm những cuộc thi và dự án tình nguyện từ trực tiếp tại các trường Đại Học nơi các bạn theo học, hoặc trên không gian mạng.
Các cuộc thi và các hoạt động tình nguyện sẽ giúp bạn thực hành và phát triển các kỹ năng mềm, tích lũy sự tự tin và gia tăng kinh nghiệm.
Lưu ý: Các cuộc thi và các dự án tình nguyện ấy nên liên quan đến sự phát triển của bạn trong tương lai.
Thú thật chủ đề này mình không quá rành. Nhưng mình biết anh Hỷ Tiên - một teammate của mình, cũng là content creator về mảng tối ưu những trải nghiệm đi học của sinh viên. Chắc chắn những nội dung của anh đâu đó sẽ hữu ích. Bạn có thể theo dõi anh tại:
3. Ứng tuyển thực tập (Internship)
Thực tập theo mình là một cơ hội khá hay ho và xứng đáng để trải nghiệm. Mình đã từng có cơ hội đi thực tập tại vị trí trợ lý HR trong vòng 2 tháng vào năm 2023. Trải nghiệm làm thực tập sinh của mình nhìn chung khá tích cực bởi môi trường làm việc cũng như trải nghiệm làm việc.
Tại đây
Mình được training về cách sử dụng công cụ Excel ra sao (công cụ mình chưa từng nghĩ mình sẽ cần nó. Sau này mình đã ứng dụng được Excel trong công việc cá nhân rất nhiều)
Mình được training để xử lý các loại giấy tờ, hỗ trợ tổ chức các sự kiện cho các thành viên trong công ty…
Không những thế, mình còn học được cách đối nhân xử thế, giao tiếp sao cho hiệu quả với các đồng nghiệp, anh chị v.v
Đối với việc thực tập, tuy lương thưởng không nhiều, nhưng nếu để ý kỹ và dành thời gian chiêm nghiệm, đúc kết sau khoảng thời gian thực tập, mình tin rằng bạn sẽ nhận được khá nhiều giá trị đấy!
4. Việc từ các mối quan hệ, tham gia vào dự án
Nhiều bạn tìm đến mình và hỏi mình thường tìm kiếm công việc ở đâu? Đây chính là mục đã mang lại cho mình nhiều cơ hội làm việc và mối quan hệ chất lượng nhất với định hướng làm việc tự do của mình.
Mình xuất hiện ở những nơi có các mentor, anh chị tài giỏi mình mong muốn học hỏi, theo dõi, và đọc thêm nhiều nội dung của họ. Mình xuất hiện ở những nơi họ hoạt động và tương tác, kết nối với họ.
Thực ra mình không tích cực tương tác nhiều đến thế, vì mình không sử dụng Facebook quá thường xuyên. Nhưng những sự tương tác của mình nếu có đều thật sự chân thành thay vì giả tạo, gượng ép.
Khi có dịp được gặp gỡ và trò chuyện trực tiếp với hai anh chị Mentor của mình, mình nhận thấy chúng mình đến với nhau như một cái duyên trời định thật sự.
Kết nối trên mạng xã hội đã cho chúng mình được gặp gỡ và tiếp xúc với nhau ở bước đầu, nhưng chính những tính cách, giá trị sống, giá trị cốt lõi, thái độ, nhân sinh quan, phong cách làm việc, định hướng v.v … có sự tương đồng với nhau mới là điều kết nối và xích gần chúng mình lại và đồng hành.
Gần đây mình đọc được một bài viết trên Threads khá hay về việc tìm kiếm Mentor:
Làm cách nào các bạn có thể tham gia vào các dự án?
Chúng ta sẽ phải luôn trong tâm thế chuẩn bị sẵn sàng trước khi đón được những cơ hội sẽ đến
Chúng ta sẽ phải chủ động bắt tay vào hành động thay vì “ngồi im chờ sung rụng”
Nằm vùng trong những dự án bạn quan tâm và mong muốn tham gia
Kết nối và xây dựng mối quan hệ sâu sắc, chất lượng với các anh chị, bạn cùng ngành nghề, ngách, lĩnh vực làm việc…
Bạn còn biết gợi ý nào nữa không nhỉ? Hãy để lại bình luận ở bên dưới nhé!
Thí dụ như mình, hầu hết các công việc mình đều đến từ việc:
Mình đọc JD tuyển dụng, tuyển thành viên từ người quen biết
Mình dõi theo và ứng tuyển vào các dự án liên quan đến mối quan tâm của mình và họ tuyển thành viên
Mình tự xây dựng thương hiệu cá nhân, chứng minh năng lực, xây dựng Portfolio để đi tìm kiếm cơ hội
Mình hoàn thành tốt trong từng công việc và trách nhiệm mình đảm nhận để gây dựng sự uy tín, sự tín nhiệm. Từ đó, mình có thể nắm bắt nhiều cơ hội lớn hơn cho bản thân trong tương lai.
Các anh chị trong vòng tròn mối quan hệ đã tin tưởng vào năng lực và giới thiệu job đến cho mình…
II. Người trẻ không có kinh nghiệm thì cạnh tranh bằng cách nào?
Chưa dừng lại ở đây, mình muốn nhắn nhủ đến bạn đọc và mong muốn bạn “dắt túi” một số đặc điểm tính cách và tố chất quan trọng mà một người trẻ cần để tâm. Ngoài ra, mình cũng sẽ bật mí những mẹo xuyên suốt quá trình trải nghiệm cộng tác và làm việc.
“Thái độ quan trọng hơn trình độ”
Đây là câu mà giáo viên môn ngữ văn cấp 3 đã luôn nói với lớp mình theo học. Lúc ấy, mình chưa hiểu rõ cho đến khi mình bước chân vào trường đời.
Bản thân mình là minh chứng sống cho câu chuyện: Làm thế nào để cạnh tranh khi không có kinh nghiệm? Thậm chí, mình còn gặp nhiều bất lợi hơn so với các bạn trẻ khác:
Không có bằng Đại Học, quá nhỏ tuổi so với yêu cầu tuyển dụng (nhiều người có mặc định rằng họ không hợp khi làm việc với GenZ, vì tụi mình còn quá non nớt và nhỏ tuổi, có những nét tính cách khá đặc trưng, khó để đáp ứng được công việc)
Vậy mà mình đã được lựa chọn cho rất nhiều vị trí khi chưa có nhiều kinh nghiệm và có nhiều bất lợi như thế. Ngẫm lại, có lẽ mình đã mang những yếu tố tính cách và tố chất sau:
1. Sự cầu tiến và luôn trong tâm thế cải tiến bản thân:
Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm thì điều bạn có thể bù đắp là: Thái độ cầu tiến. Bằng cách bạn sẽ phải cố gắng đem lại kết quả tốt nhất trong khả năng của mình, đặt mình vào vị trí của người khác khi team-work. Bạn thực sự lắng nghe những lời feedback, góp ý của người khác dành cho bạn. Bạn sai sót ở đâu thì ngay lập tức sửa chữa nếu có thể, nếu không hãy đưa ra lời xin lỗi, và lưu ý rút kinh nghiệm để lần sau không phạm phải…
2. Sự phát triển và thay đổi nhanh chóng:
Lợi thế của người trẻ, đặc biệt là GenZ chúng ta chính là nắm bắt công nghệ, thông tin rất nhanh, khả năng tiếp thu, học tập hiệu quả và tốc độ. Tận dụng điều đó, hãy chứng minh cho đồng đội, đối tác, khách hàng, hay mentor của bạn rằng tuy chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng bạn cam kết học hỏi và phát triển nhiều hơn từng ngày. Theo mình, điều thành công nhất không phải là chứng minh cho người khác, mà bản thân bạn tự nhìn thấy và công nhận sự thay đổi, phát triển ở nơi bản thân, bản thân đó đã là một thành công rất lớn rồi.
3. Khả năng chủ động cực kỳ cao:
Chủ động trong công việc ở đây có nghĩa là bạn chủ động đặt câu hỏi khi chưa hiểu rõ tác vụ được giao, chủ động để ý những tiểu tiết mà sếp nhầm và hỏi để xác nhận lại, chủ động đặt mình vào vị trí của người khác để cùng team-work sao cho hiệu quả nhất… Tóm lại là sự chủ động và tính trách nhiệm trong công việc bạn đang làm sẽ phải được đề cao. Ai mà chẳng thích làm việc và đồng hành cùng một người chủ động? Trở nên năng động, tích cực và chủ động hơn sẽ sinh ra sự khác nhau, khoảnh cách lớn giữa 1 bạn ù lỳ và một bạn luôn cầu tiến, bền bỉ hành động mỗi ngày.
4. Nguồn năng lượng trẻ:
Bạn có tin đây cũng chính là một lợi thế hay không? Khi làm việc trong một môi trường lặp lại, quen thuộc và bình bình, nhiều khi đội nhóm ấy rất mong muốn tìm kiếm và có được những “làn gió mới” từ các thành viên trẻ trung, năng động, đầy nhiệt huyết. Đây chẳng phải là lợi thế bất công của chúng ta hay sao? Khi được tham gia và đồng hành, bạn hoàn toàn có thể lan tỏa năng lượng trẻ trung, tích cực, tràn đầy sự sôi động và trẻ trung của bạn đến mọi người xung quanh.
5. Chủ động xây dựng những kết quả thực tế trên Internet:
Đặc biệt nếu bạn đang hoạt động và phát triển theo các lĩnh vực và ngành nghề liên quan đến chuyển đổi số, freelance... Việc chủ động chứng minh năng lực bằng cách có những kết quả làm việc trên Internet là một cách hữu hiệu để bạn tăng khả năng đậu công việc bạn ứng tuyển.
Bản thân mình đã tự xây dựng các kênh mạng xã hội để chứng minh rằng mình có kiến thức về cách hoạt động, quản trị và phát triển các kênh mạng xã hội ấy.
Mình bắt đầu học, luyện viết, viết trên mạng xã hội, cho đến bản tin, nay là blog. Khi nào nhà tuyển dụng mong muốn tìm hiểu thêm về con chữ, hay thậm chí là con người mình, đều có thể dễ dàng tìm đọc được.
…
Lời cuối
Sau bài viết này, Quỳnh Thy hi vọng bạn đọc đã có đâu đó thêm những góc nhìn, định hướng rõ ràng hơn để bắt đầu chuẩn bị sẵn sàng và tự tin hơn trong việc đi tìm kiếm những cơ hội cho riêng mình khi chưa có quá nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm làm việc.
Nếu bạn thấy bài viết này có ích, hãy để lại nút yêu thích, bình luận về cảm nghĩ của bạn hoặc chia sẻ! Sự ủng hộ của bạn giúp mình vững tay tiếp tục “gõ phím” đó^^ Còn giờ thì, hẹn gặp lại bạn ở những bài viết tiếp theo!
Yorumlar