Bạn đã bao giờ đặt ra câu hỏi: "Nghề chọn người liệu có thực?"; “Có bao giờ có khả năng người vừa chọn được nghề, mà nghề cũng chọn người hay không?”. Mình thì chưa từng hiểu hay tin nó cho đến khi mình thực sự trải nghiệm và chứng kiến trường hợp của chính bản thân mình.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ đến bạn về câu chuyện và hành trình của Quỳnh Thy - một người trẻ không lựa chọn theo con đường Đại Học. Mình ngỡ bản thân sẽ chênh vênh, sẽ thiếu định hướng và ngỡ sẽ có ít cơ hội để phát triển hơn các bạn đồng trang lứa...
Không ngờ mình của ba năm sau:
💡 Mình lại tìm ra điều mình thích làm, mỗi ngày đều sống trọn vẹn với điều mình đang gây dựng và theo đuổi.
Thực sự thõa mãn vì bản thân mình đã chứng minh được cho chính mình rằng không học Đại Học, không có nghĩa là ngừng học. Mình vẫn tiếp tục học nữa, và được học, nghiên cứu, tìm tòi, được thực hành đúng thứ mình thích làm.
Bài viết này dành cho những bạn có câu chuyện hay những suy tư tương tự như mình. Làm sao để một người trẻ có thể vừa chọn được nghề, mà nghề cũng chọn mình? Hãy tiếp tục tìm hiểu cùng mình nhé!
Câu chuyện của mình
Vì đây là một trong những bài viết đầu tiên được xuất bản, nên mình cho rằng bạn chưa có nhiều thông tin về “bộ não” đứng đằng sau chiếc blog nhỏ này. Hãy để mình kể về câu chuyện của bản thân, như một lời giới thiệu tổng quan về mình nhé!
Mình là Quỳnh Thy, sinh năm 2003. Vào khoảng ba năm trước, mình và gia đình cùng đưa ra quyết định mình sẽ không theo học Đại Học. Mình đã tự học và tự tìm con đường phát triển cho bản thân.
Vào năm 2022, khi đang mày mò nghiên cứu, mình tình cờ xem được một video của GaryVee, sau khoảng 45 phút chia sẻ, ông đã nói rằng:
“Chỉ cần sau buổi chia sẻ ngày hôm nay, có một người quay trở về nhà và bắt đầu đăng tải những video lên TikTok, đó đã là thành công của ông khi bay hàng vạn cây số để đi đến đây”.
Câu nói ấy đã thực sự chạm đến mình, và mình đã nghĩ rằng: “Tại sao không?”. Mình đã bắt đầu mày mò đăng tải những video đầu tiên lên TikTok như thế, cho dù chưa biết chỉnh sửa video như thế nào, quay dựng ra sao, làm nội dung như thế nào…
Mình luôn bước đi một cách bền bỉ và cải tiến chính mình như thế, đến nay đã được tròn 3 năm. Hiện tại, mình là một content creator, blogger, freelancer với đa dạng kỹ năng, tác vụ và vị trí có thể đảm nhận được.
Một số thành tựu mình đã đạt được, mà mình sẽ phải ghi nhận bản thân ở đây:
Kênh TikTok cá nhân với 20K+ followers (hiện tại đang tạm ngưng hoạt động)
Sở hữu hệ thống các kênh mạng xã hội với 4K+ followers
Leader team Social của dự án Vũ Trụ Creator
2+ kinh nghiệm làm trợ lý từ xa với các vị trí: trợ lý nội dung, trợ lý cá nhân…
Bạn có thể nghe thêm câu chuyện về hành trình sáng tạo của mình tại:
Và nếu bạn tò mò về hành trình sắp tới của mình, thú thật mình cũng rất tò mò nhưng chưa thể hình dung rõ ràng được.
Gần đây, mình nghe được tập Podcast của The Tri Way “Giới hạn của tương lai”, anh đã đề cập rằng:
Giống như một ván cờ tướng vậy, một bước đi có thể chẻ ra thành nhiều bước đi khác. Có thể bước thứ 1, thứ 2 bạn có thể đoán trước được. Nhưng đến các bước xa 4, 5, 6,… bạn đã mịt mờ không còn có thể lường trước được nữa.
Chỉ biết là với những dự định tiếp theo trong thời gian gần:
Mình sẽ nỗ lực hoàn thiện Website này, và đưa trang Web chính thức vào hoạt động
Mình bắt đầu xuất hiện trên YouTube trong vai trò là YouTuber. Nghe có vẻ "ghê gớm" thế thôi, nhưng thật ra cũng giống như việc viết nhật ký và chia sẻ lại hành trình phát triển, cuộc sống của mình vậy.
Mình sẽ vạch ra Insight cụ thể về thấu hiểu những nỗi đau, khát khao, mong muốn của độc giả mục tiêu của mình. Từ đó có thể đem lại những nội dung chạm hơn, sản xuất ra những sản phẩm số, mang đến giải pháp giải quyết các vấn đề của bạn.
…
Vào cuối năm 2023, chị sếp của mình, khi ngồi tư vấn riêng cho mình, chị có hỏi mình rằng: Đâu là thông điệp lớn nhất em muốn truyền tải đến các bạn?
Mình đã chốt rằng, thông điệp lớn nhất em muốn truyền tải đến các bạn ngoài kia rằng:
Không học Đại Học không có nghĩa là ngừng học. Chúng ta vẫn sẽ phải học tiếp, trau dồi tiếp không ngừng.
Và chính mình là minh chứng cho điều đó. Mình đã nhận được rất nhiều sự công nhận từ xung quanh, từ các bạn bằng tuổi, cho đến các anh chị lớn hơn tuổi. Họ công nhận khả năng, năng lực và tiềm năng của mình. Nói ra không phải để khoe khoang, mà là như một sự công nhận và xác nhận cho rất nhiều năm miệt mài, cặm cụi phát triển bản thân của mình.
Trong chuyến đi Huế solo của mình vào tháng 4/2024 vừa rồi, mình gặp lại bạn cấp 3 của mình - Thy Anh. Sau một hồi khoảng 3 tiếng trò chuyện với nhau về những chủ đề rất hóc búa, vĩ mô đến mức muốn nổ banh não^^ Thy Anh đã trầm tư một hồi lâu và chia sẻ với mình rằng:
“Ta không ngờ mi có thể hiểu được những thứ ta nói, mặc dù ta có dùng những thuật ngữ khó hiểu”.
“Ta nghĩ rằng đôi khi quyết định không học Đại Học của mi thực sự sẽ phù hợp với mi hơn”.
Thú thật, chính mình trong suốt 3 năm qua, cũng chưa từng một lần hối hận về quyết định khác biệt này. Vì nó thật sự phù hợp với hoàn cảnh, nhu cầu của chính mình và gia đình.
Qua những chia sẻ vừa rồi, hy vọng bạn đã có thêm góc nhìn mới về mình. Mình rất tự hào khi là nhân chứng sống cho câu chuyện tìm được niềm đam mê cho bản thân từ sớm, và vẫn đang mãnh liệt theo đuổi, thực hiện hóa ước mơ của chính mình.
Vậy làm thế nào để nghề chọn người và vừa người chọn nghề?
Sau khoảng 3 năm không ngừng nỗ lực và đạt được những thành quả nhất định: tìm thấy và được làm công việc mình yêu thích. Dưới đây là một số "công thức chung" mình đúc kết từ hành trình của bản thân, mình tin rằng mỗi chúng ta đều có thể ứng dụng được:
1. Có sự sáng tỏ nơi bản thân
💡 Mình tin rằng, mọi đáp án luôn nằm ở bên trong bạn. Bạn đừng tìm kiếm đâu xa xôi, bạn chính là chìa khóa mở được cánh cửa, mở được cả một vũ trụ bên trong mình.
Bản thân mình đã có khoảng 1-2 năm đầu tiên khi vừa tốt nghiệp trung học phổ thông xong. Đây là khoảng thời gian mình mông lung và ngờ vực về bản thân, nhưng cũng là lúc mình đối diện với những mặt tối, mặt sáng của mình nhất. Mình có cơ hội để tìm hiểu và thấu hiểu chính mình, làm việc với những suy nghĩ và tư duy của mình…
Đến nay, những người tiếp xúc với mình đều có ấn tượng và có thể cảm nhận được về mình là một người rất hiểu về chính mình. Biết mình muốn gì và đang hướng đến đâu. Họ thường chia sẻ với mình rằng, ở lứa tuổi của mình, họ vẫn còn rất mông lung lắm.
Khi đạt được sự thấu hiểu và sáng tỏ nơi chính mình, bạn sẽ có:
Sự tự nhận thức (Self-awareness) tốt: Bạn thấu hiểu và sáng tỏ về bản thân mình. Bạn biết được đâu là những giá trị cốt lõi của bản thân mình để bám vào, bạn sẽ biết được đâu là những đam mê, điều bạn thích làm, và mục tiêu sống của bạn. Từ đó, giảm thiểu sự so sánh bản thân với người khác, giảm thiểu nỗi sợ bị bỏ lỡ…
Sự tự phát triển: Khi bạn biết lắng nghe và quan sát vào bản thân, bạn sẽ biết rõ đâu là điều mình làm tốt, đâu là điều chưa. Bạn còn thiếu sót và cần bổ sung ở đâu? Bạn tôn trọng tiến trình phát triển của mình, kiên nhẫn với chính mình để từng ngày cải thiện chính mình. Bạn hiểu rằng hạnh phúc không phải là đích đến, mà là hành trình mỗi ngày bạn cặm cụi đi.
Sự tự tin: Khi đã có cả 2 yếu tố tự nhận thức tốt, và mỗi ngày bạn đều cặm cụi phát triển thì sự tự tin bên trong bạn cũng lớn dần. Ngoài ra, sự tự tin còn có thể được gầy dựng bằng rất nhiều cách khác nhau như tập luyện thể dục thể thao, nâng cấp tư duy, cách bạn nhìn nhận và đối diện với vấn đề, nội lực bên trong vững mạnh v.v.
Tìm thấy được những tâm hồn đồng điệu: Khi biết nâng cấp mình, bạn sẽ gặp được những con người phù hợp hơn, chất lượng hơn, thúc đẩy bạn phát triển hơn. Họ là những áp lực, sự cạnh tranh lành mạnh, họ là những con người luôn tiến lên và sẵn sàng cầm tay bạn và cùng đi lên.
Hạnh phúc và có được trạng thái bình an: Khi bạn có khả năng hiểu và chấp nhận bản thân, bạn có thể sống một cuộc sống với tư duy tích cực hơn. Bạn có thể định hướng đúng hướng và tận hưởng cuộc sống một cách bình thản, đủ đầy, giàu sự biết ơn. Để từ đó mang lại cho bạn sự hạnh phúc và trạng thái bình an thật sự.
Nói như vậy để thấy rằng, bạn có khả năng để lắng đọng lại và hiểu thấu về chính mình, bạn ngày càng được rõ ràng và sáng tỏ hơn, bạn nhìn thấy cả một vũ trụ rộng lớn và thú vị ngay trong chính mình.
Tin mình đi, bạn không thể thay đổi người khác, bạn chỉ có thể thay đổi chính mình. Và một khi bạn đã có những chuyển biến tích cực, những người xung quanh của bạn tự nhiên được thơm lây. Vậy nên việc trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình mỗi ngày, đã là một hành động ảnh hưởng tích cực lớn lao rồi!
2. Chủ động nghiên cứu và tìm cơ hội cho mình
Nếu không nói ra, có lẽ không ai biết rằng trước khi tìm ra được điều mình thích làm là: content creator, blogger, freelancer…
Thì mình đã tìm hiểu và nghiên cứu qua hàng tá những công việc khác như: biên phiên dịch viên, tiếp viên hàng không,…Hay mình còn từng đi thử làm: Nhân viên phục vụ nhà hàng tiệc cưới, Intern tại vị trí trợ lý HR tại một khách sạn ở Đà Nẵng,…
Ở thời đại ngày nay, thật ra kiến thức và cơ hội chỉ cách bạn một chiếc màn hình. Nếu bạn cần bất cứ điều gì, hãy chủ động đi tìm kiếm trên Internet, càng tìm tòi, thông tin sẽ càng hiện ra cho bạn.
Như một quy luật tập trung của vũ trụ: Khi bạn tập trung vào điều gì, điều ấy sẽ càng mở rộng. Có lẽ chúng ta chỉ hơn nhau ở sự chủ động đi tìm kiếm cơ hội cho mình thế thôi.
Xin dành tặng cho bạn câu nói này:
💡 Nếu bạn không thử, bạn sẽ không biết được bản thân muốn gì, thích gì, giỏi điều gì,…và ngược lại.
Hãy cho bản thân được tự do khám phá và trải nghiệm thật nhiều. Chúng ta còn trẻ, còn thời gian, năng lượng, tràn đầy tiềm năng và cơ hội mà.
Tại sao phải đóng khung, đóng gói mình vào một chiếc hộp chật hẹp nào đó?
Tại sao lại để những niềm tin giới hạn níu mình lại trong khi chúng ta hoàn toàn có thể làm được nhiều điều lớn lao?
Tại sao không cho chính mình cơ hội để thử một lần?
3. Có sự chuẩn bị sẵn sàng để đón lấy những cơ hội sẽ đến
Theo mình quan sát thấy, càng bạn trẻ trạc tuổi mình, họ quá mất kiên nhẫn với tiến trình phát triển của bản thân. Họ vội lao đi kiếm tiền, họ đi làm chỉ vì tiền bạc mà không còn vì những giá trị khác.
Thú thật, giai đoạn khi vừa tốt nghiệp cấp ba, mình nhìn xung quanh các bạn bè đồng trang lứa đã bắt đầu tham gia vào các công việc bán thời gian, dạy gia sư v.v đã bắt đầu kiếm được tiền bạc để chi tiêu cho nhu cầu của họ…
Mình cũng đã bị FOMO, gặp nỗi sợ bị bỏ lỡ, mình phải buộc bản thân rằng sẽ phải có được công việc và kiếm được tiền cho bằng bạn bằng bè. Đặc biệt là đối với một bạn không học Đại Học, thì nhu cầu được chứng tỏ mình, mình cho rằng còn cao hơn bất kỳ các bạn nào khác.
Mãi đến sau này, mình hiểu về câu chuyện cơ hội và một nửa cơ hội:
Theo mình quan sát được, đa phần các bạn đang có tư duy, và có định kiến rằng cơ hội là một đi không trở lại, cơ hội chỉ đến một lần. Điều này là chưa chuẩn xác, nó vô tình khiến bạn luôn trong tình trạng thấp thỏm, lo sợ cơ hội sẽ vụt qua kẽ tay. Vì thế bạn sẽ có xu hướng:
Nhận bừa 1 việc sức mình làm không nổi.
Cứ chần chừ một việc vừa với sức mình.
Trên thực tế, đây mới là cái hiểu đúng…
Mình nhớ đã đọc trong cuốn 50 câu hỏi về nhân sinh quan, tác giả Hoàng Mạnh Hải có giải thích về 2 khái niệm này, đại khái rằng:
“Oppotunity is a set of circumstances that makes it possible to do something”
Tạm dịch: Cơ hội là 1 tập hơn các điều kiện đủ để cho phép ai làm được một điều gì đó.
Tức là khi mọi thứ cần sẵn sàng, tập hợp các điều kiện đủ thì cơ hội mới gọi là cơ hội. Còn không thì cái vừa vụt qua đời ta chỉ là một nửa cơ hội. Mà trên đời này có rất nhiều một nửa cơ hội như thế, từng ngày, từng giờ.
Khi hiểu được câu chuyện có rất nhiều cơ hội ngoài kia, và hoàn toàn có thể xảy đến trong đời mình, mình học cách:
Tôn trọng tiến trình phát triển của mình:
Thú thật, mình đã phải mất rất lâu để học được bài học này. Là một người làm sáng tạo nội dung, mình dễ dàng bị thu hút bởi những người đang tỏa sáng ở trên top, họ nhận được nhiều sự chú ý, thành công và hào quang rực rỡ. So sánh bản thân với họ, mình không khỏi cảm thấy áp lực.
Trong khi bản thân thì một điều nhỏ nhất là tạo nội dung và đăng lên, mình còn chưa làm nổi. Mình đã chưa làm tốt từ việc nhỏ nhất, mà lan man đi so sánh với những người khác ngoài kia.
Mình đã học được rằng ai cũng có thời điểm tỏa sáng của riêng họ. Và những bề nổi mình nhìn thấy được, chưa chắc đã là toàn bộ sự thật. Những hỷ nộ ái ố trên hành trình phát triển của riêng họ, nếu không kể ra, sao mình nắm rõ hết.
Người ta đã nói: “Điều tốt đẹp luôn cần thời gian”. Vậy nên hãy kiên nhẫn và làm tốt từ những việc nhỏ nhất. Rồi chúng ta sẽ tỏa sáng theo cách của riêng mình. Chỉ cần hiện tại cặm cụi và tập trung vào việc của chính mình.
Chuẩn bị cho cơ hội đến và bản thân có khả năng nắm lấy:
Hãy thử nghĩ xem, đâu là trường hợp bạn thấy tệ hơn?
Cơ hội đến nhưng bản thân không có khả năng để nắm lấy nó.
Cơ hội chưa đến, như bản thân đang chuẩn bị để nắm bắt nó.
Gần đây, mình nhận được offer job thời vụ biên dịch từ Việt sang Anh với mức thù lao khá đáng mơ ước với mình. Tuy nhiên, mình phải nhìn nhận thực tế rằng mình không có chuyên môn trong lĩnh vực dịch thuật, đến biên tập Việt - Việt mình làm còn chưa sõi. Mình thật sự chưa có khả năng đáp ứng được yêu cầu. Nếu mình nhận, mình sẽ gặp nhiều khó khăn và có thể cho ra kết quả không tốt, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ công việc của khách hàng. Vậy nên mình đã phải đưa ra sự từ chối mặc dù rất tiếc.
Sau offer này, mình nhận ra rằng:
Mình sẽ phải học tiếng Anh nghiêm túc lại vì mình cần nó, nếu không, nó sẽ đóng lại khá nhiều cánh cửa cơ hội với mình như vừa rồi.
Mình hoàn toàn có cơ hội để tìm kiếm và nhận những mức thù lao cao hơn hiện tại.
Nói như vậy để thấy rằng, mỗi chúng ta hãy luôn trong trạng thái chuẩn bị cho mình một mức độ sẵn sàng, sự can đảm để biến những cái “nửa cơ hội” ấy thành “cơ hội” thật sự.
4. Lắng nghe tiếng gọi nơi tim mình
Khi đã có kha khá kiến thức, trải nghiệm, sự thấu hiểu và có khả năng lắng nghe chính mình, bạn sẽ tìm ra đâu là điều phù hợp với chính mình.
Hãy lắng nghe bản thân: Khi bạn trải qua quá trình tìm hiểu và thử nghiệm, hãy lắng nghe cảm giác của bản thân. Cảm nhận xem công việc nào mang lại niềm vui và cảm giác thỏa mãn cho bạn. Điều này giúp bạn đưa ra quyết định cuối cùng về nghề nghiệp mà bạn muốn theo đuổi.
Trong cuốn kinh doanh chuyên môn của chính mình, tác giả Linh Phan đã có câu nói đại khái là:
Sự nghiệp thật sự là khi bạn cảm thấy bản thân ít có sự phản kháng nhất.
Thí dụ như mình:
Mình cảm thấy trái tim mình luôn được kêu gọi, luôn sục sôi khi làm những công việc mình đang làm - sáng tạo nội dung, viết lách, xây dựng “đế chế” cho riêng mình.
Mình đã luôn lắng nghe bản thân, thể trạng cơ thể, tiếng gọi bên trong khi trải nghiệm các công việc. (Mình đang cảm thấy lấn cấn, khó chịu, mệt mỏi khi làm việc này; hay mình thấy hứng khởi, có trách nhiệm cao với nó?)
💡 Vậy đâu là điều đang thét gào trong trái tim bạn? Đâu là điều bạn hằng muốn làm? Hay nói cách khác, khi bạn ở độ tuổi tuổi xế chiều, bạn nhìn lại sẽ không hối tiếc vì đã không làm điều gì?
Lời cuối
Vậy là chúng ta đã cùng đi qua các cách thức để nghề chọn người và vừa người chọn nghề và biết thêm về câu chuyện thực tế của mình - một nhân chứng sống. Hi vọng bài viết đã cho bạn thêm góc nhìn nào đó hay ho.
Bạn có suy tư gì sau khi đọc bài viết này? Hãy để lại bình luận cho mình biết với nhé! Hẹn gặp lại bạn ở những bài viết tiếp theo.
Kommentarer