top of page
Ảnh của tác giảQuỳnh Thy

Nghề trợ lý từ xa đã cho mình những lợi thế cạnh tranh nào?

Trong hằng hà xa số các ngách freelancing, tại sao mình lại lựa chọn theo đuổi công việc trợ lý từ xa?


Là một người trợ lý từ xa với kinh nghiệm 2 năm làm việc, chắc hẳn mình đã nhận được các giá trị và lợi ích, mới duy trì theo đuổi đến tận bây giờ.

Trong bài viết này, mình sẽ bật mí đến bạn những cơ hội to lớn mà nghề trợ lý từ xa đã mang lại cho một người trẻ như mình. Để từ đó, nếu bạn đang nghiên cứu và có ý định theo đuổi công việc này, đây có thể là một nguồn tham khảo thực tế dành riêng cho bạn.



Làm trợ lý từ xa thì nhận được những ích lợi gì?


1. Lợi ích và sự tự do


Sự tự do là một trong 3 giá trị cốt lõi mà bản thân mình luôn theo đuổi và hướng đến. Và công việc này đã đáp ứng phần nào đó cho mình bằng cách:


Mình được linh hoạt thời gian làm việc:


Thông thường, thời gian làm việc tối thiểu được yêu cầu cho một trợ lý từ xa part-time sẽ rơi vào khoảng 2-4h/ ngày. Và không bắt buộc khung giờ làm việc cố định, miễn là bạn hoàn thành tác vụ đúng thời hạn. Chính vì lý do đó, bạn hoàn toàn có thể làm việc vào khung giờ bạn cảm thấy phù hợp và hiệu quả với lịch trình hằng ngày của bản thân nhất. Bên cạnh đó, nếu bạn có khả năng gia tăng hiệu suất làm việc, xử lý tác vụ một cách thông minh và nhanh chóng, thì sẽ rút ngắn được khoảng thời gian làm việc đáng kể.


Mình được linh hoạt không gian làm việc:


Vì làm việc từ xa, yêu cầu cơ bản là bạn cần có laptop/máy tính và wifi kết nối để làm việc. Còn bạn làm việc ở không gian nào, không mấy quan trọng, chỉ cần bạn đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng. Vì vậy, mình được tự do lựa chọn không gian làm việc của mình bằng cách: Làm việc tại nhà, làm việc tại các quán cafe, thậm chí, mình còn đi trên một chuyến solo du lịch, và vẫn có thể đem laptop để xử lý task.


Mình được linh hoạt lựa chọn khách hàng mình làm việc cùng:


Bản thân mình là một đứa rất chọn lọc trong câu chuyện mình sẽ làm gì, làm cùng với ai. Bởi vì thời gian và năng lượng của mình có giới hạn, bên cạnh đó, mình rất đề cao sức khỏe tinh thần của bản thân. Một mình mình, chắc chắn không thể đáp ứng hết cho tất cả được. Mình sẽ muốn dành nó cho những con người mình cảm thấy phù hợp và thực sự mong muốn để đồng hành lâu dài cùng. Làm trợ lý từ xa, sếp được chọn mình, nhưng mình cũng hoàn toàn có quyền được chọn sếp.


Mình được có nhiều nguồn thu cùng một lúc:


Một người trợ lý từ xa, hay rộng hơn là một người làm việc tự do, họ không bị bó buộc và bị phụ thuộc vào một nguồn thu duy nhất nào cả. Họ hoàn toàn có thể làm việc cùng một lúc với rất nhiều khách hàng khác nhau, rất nhiều dự án khác nhau. Từ đó, họ được tự do trong việc mở rộng nguồn thu và gia tăng thu nhập.


Bản thân Thy cũng thế, mình đang làm việc với 2 khách hàng, đồng hành cùng một dự án, và tự xây dựng dự án của chính mình. Thời gian còn lại mình sẽ dành cho việc phát triển các khía cạnh khác bên ngoài công việc. Quyết định này hoàn toàn phù hợp với định hướng và mong muốn của riêng mình.


Nếu những lợi ích về sự tự do bên trên là phong cách sống và làm việc mà bạn muốn theo đuổi, đây đích thị là một yếu tố quan trọng mà bạn có thể cân nhắc.


2. Lợi ích về sự phát triển

You have no idea what you capable of - Khuyết danh

Còn một lợi ích không kém phần quan trọng, chính là yếu tố về tiềm năng phát triển bản thân và hành trình phát triển sự nghiệp (career path) của một cá nhân.

Mình thực sự không nói ngoa khi trở thành một trợ lý từ xa, bạn sẽ nhận thấy bản thân được “lớn nhanh như thổi” nếu thật sự làm việc nghiêm túc, không chỉ cho người khác, mà còn để được tìm thấy một “mình” tài giỏi hơn bạn nghĩ.


Phát triển các kỹ năng tạo thu nhập cao (high income skills):


Khi là một người trợ lý làm việc trong bối cảnh làm việc từ xa, bạn sẽ phải thành thạo và dường như buộc phải dần trở nên thành thạo các kỹ năng về quản lý thời gian, kỹ năng tự học, kỹ năng giao tiếp từ xa hiệu quả, kỹ năng ứng dụng các nền tảng công nghệ mới nhanh chóng…


Không những thế, nếu bạn đi về các ngách trợ lý chuyên môn, bạn sẽ được phát triển các kỹ năng như: kỹ năng về sáng tạo, kỹ năng bán hàng và marketing, kỹ năng quản lý và lãnh đạo, kỹ năng tài chính và kế toán…

Có thể thấy, cần rất nhiều yếu tố để trở thành một người trợ lý tài giỏi và chuyên nghiệp. Đây cũng chính là bước đệm rất vững chắc bởi các kỹ năng mà một người trợ lý sở hữu rất có giá trị trên thị trường lao động hiện nay.


Được mentor bởi những người sếp xịn xò đi trước bạn


Khi bạn được đồng hành cùng những khách hàng, những người sếp trong vai trò là trợ lý, bạn đừng nghĩ bạn chỉ làm việc “cho họ”. Về bản chất, đây là mối quan hệ win-win.


Nhất định, bạn và khách hàng đâu đó cũng đã có những sự đồng điệu và phù hợp nhất định về hệ giá trị, về hướng phát triển, về nguyên tắc làm việc v.v Vì thế, mới có thể đồng hành cùng nhau lâu dài.


Đừng nghĩ bạn chỉ nhận được giá trị từ họ là mức lương thưởng, mà còn có thể là sự mentor, dẫn dắt, hướng dẫn, chỉ bảo tận tình, là người cố vấn đáng tin cậy bởi họ đã đi trước bạn rất nhiều bước, và họ hẳn mong muốn điều tốt đẹp nhất đến với bạn.


Ngoài ra, cá nhân mình còn nhận được những giá trị khác về:


  • Được tiếp cận với những tư duy phát triển và tiến bộ từ những người đã và đang thành công trong lĩnh vực và cuộc sống

  • Được truy cập vào các khóa học và tài liệu chất lượng

  • Nắm được quy trình làm việc bài bản trong môi trường làm việc chuyên nghiệp

  • Được chủ động học hỏi để rút ngắn được thời gian sai phạm, đánh mất đi chi phí cơ hội nếu mình tự mày mò độc lập


Mở rộng vòng tròn mối quan hệ chất lượng:


Khi là một người trợ lý từ xa, bạn làm việc với rất nhiều khách hàng cùng một lúc. Hơn thế nữa, bản thân những người khách hàng của bạn có thể có rất nhiều khách hàng và vòng tròn mối quan hệ chất lượng của riêng họ.

Bạn sẽ không thể ngờ được bản thân bạn có thể tiếp cận và kết nối được với bao nhiêu con người mới. Mà bạn biết đấy, networking cũng chính là một loại tài sản trên hành trình phát triển sự nghiệp.


Lấy ví dụ nơi bản thân mình, thời mới chập chững vào nghề, mình không dám “vỗ ngực xưng tên” mình là trợ lý của sếp của mình trước những khách hàng của sếp. Mình cứ trông như một bóng ma không ai biết cũng chẳng ai hay. Chị sếp mình đã nói với mình rằng:


Em phải tự tin lên, em đang làm rất tốt. Em hãy bước ra ngoài và nói cho mọi người biết em là ai, em đang làm gì. Đây chính là cơ hội để em tạo được những kết nối của riêng mình. - Chị Hương Mai

Được chị sếp động viên, kể từ đó:


  • Mình luôn viết những dòng email mang tính người hơn bằng cách giới thiệu bản thân - người gửi mail.

  • Mình đã có cơ hội đứng ra hỗ trợ hàng trăm học viên và khách hàng bằng cách: Mình sẽ phải cho người khác biết mình là ai, mình ở đây để hỗ trợ họ điều gì, từ đó họ mới biết ai là người họ cần tìm đến để nhận được sự hỗ trợ.


Lợi ích từ việc tiếp xúc và làm việc với rất nhiều con người đã cho mình:


  • Kết nối với những con người xịn sò và phù hợp

  • Học hỏi được những kiến thức chuyên môn hay từ xung quanh

  • Được trực tiếp làm việc và gặp gỡ với những anh chị mình chỉ từng dám mơ được chạm đến…


Mở rộng cơ hội việc làm, sự thăng tiến, chuyển đổi nghề nghiệp:


Theo mình biết, một người trợ lý thường có tuổi nghề rất ngắn, khoảng từ 1-5 năm. Họ đã có thể bước ra và tự có những bước tiến độc lập cho riêng mình.

Mình đã chứng kiến khá nhiều cá nhân có xuất thân từ một trợ lý, họ phát triển độc lập trở thành một trợ lý chuyên nghiệp, quản lý dự án, nhà lãnh đạo, chủ doanh nghiệp, solopreneur, CEO, v.v


Khi phỏng vấn ứng tuyển cùng với chị Nguyệt Anh - CEO RIO Book, Founder The Transformation Book, cũng là chị sếp của mình hiện tại, chị đã chia sẻ với mình rằng: “trước đây chị là một trợ lý giám đốc”.


Chia sẻ này của chị đã khiến mình cảm thấy cực kỳ được truyền cảm hứng, đến mức mình phải ngồi xuống để mình ngẫm lại lý do tại sao mình lựa chọn trở thành một người trợ lý từ xa, và đồng hành, duy trì công việc đến bây giờ:


Bởi vì mình cũng mong muốn được trở thành họ - những người sếp, người mentor mình đang làm việc cùng. Họ đích thị là hình mẫu lý tưởng mà mình hướng đến.

Có thể nói rằng, làm trợ lý từ xa không chỉ là một công việc linh hoạt và hiệu quả, mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển cá nhân và nghề nghiệp. Công việc này góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng và tiến bộ về mọi mặt cho bản thân người trợ lý đó.


Bên cạnh đó, không thể không nói đến những sự đánh đổi


Mình sẽ không cố vẽ ra một viễn cảnh màu hồng về công việc này, vì nó không hề thực tế! Đây là công việc, mà công việc thì sẽ luôn có những khó khăn, sự áp lực và những đánh đổi nhất định.


Đây là một số khía cạnh quan trọng buộc bạn sẽ phải tự lập và trau dồi khi theo nghiệp là trợ lý từ xa:


1. Tự đi tìm khách hàng, tự mày mò ứng tuyển, tự chủ động làm việc


Tự đi tìm khách hàng và tự mày mò ứng tuyển


Bên cạnh việc bạn được quyền lựa chọn sẽ làm việc gì, làm cùng ai. Và bạn cũng có toàn quyền hạn và trách nhiệm để đi tìm người khách hàng cho mình.

Là một người hoàn toàn mới, hẳn bạn đang đặt câu hỏi rằng bạn sẽ phải làm như thế nào để ứng tuyển thành công và có cho mình những vị khách hàng đầu tiên?


Đập tan “nỗi ám ảnh” ứng tuyển: Cẩm nang vàng cho vị trí trợ lý từ xa (Remote Assistant) là bộ sản phẩm số mình tạo ra như một giải pháp hướng dẫn từng bước, tiết lộ cho bạn một quy trình cụ thể để ứng tuyển vị trí trợ lý từ xa thành công. Nếu bạn là người chân ướt chân ráo bước vào nghề mà không biết bắt đầu từ đâu, đây đích thị là điều bạn đang tìm kiếm!


Tự chủ động làm việc


Khác với việc có mặt tại văn phòng, được bao quanh bởi đồng nghiệp, được trực tiếp hướng dẫn v.v Khi làm việc từ xa, phần nhiều là bạn sẽ đối diện và làm việc nhiều nhất với chính mình.


  • Không một ai nhắc nhở bạn làm việc, bạn gửi đi kết quả cuối cùng không tốt, không đúng hạn, là lỗi của bạn

  • Bạn không hiểu cách làm, bạn sẽ phải tự nghiên cứu, mày mò và tìm cách giải quyết trước khi hỏi và tìm kiếm sự trợ giúp từ sếp

  • Bạn chủ động giao tiếp và báo cáo tiến độ cho sếp nắm được thay vì bị động chờ đợi sếp nhắc nhở


Bạn như một người chủ với dịch vụ mà bạn cung cấp. Bạn nắm quyền quyết định chất lượng của dịch vụ đó đến đâu, bạn chịu trách nhiệm hoàn toàn vào việc lựa chọn sẽ mở rộng quy mô hay không, bạn làm việc cùng bao nhiêu khách hàng…


Vì vậy, công việc trợ lý từ xa sẽ không hoàn toàn phù hợp với những bạn:


  • Có sự tự kỷ luật kém

  • Làm việc thiếu trách nhiệm, thiếu sự chủ động

  • Kỹ năng tự học chưa cao…


2. Tự trau dồi các đức tính và kỹ năng cần thiết


Có thể thấy, đi kèm với rất nhiều cơ hội phát triển có thể gọi là “thần tốc”, thì buộc cá nhân một người trợ lý người trợ lý từ xa cần liên tục trau dồi và phát triển bản thân, vừa về kỹ năng cứng, kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên môn, vừa về các phẩm chất cá nhân để đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của công việc:


  • Trước tiên, về kỹ năng cứng, người trợ lý cần nắm vững các công cụ và nền tảng công nghệ để đảm bảo công việc được diễn ra một cách suôn sẻ. Điều này bao gồm khả năng sử dụng thành thạo các phần mềm văn phòng, các ứng dụng quản lý dự án, và các nền tảng giao tiếp và làm việc từ xa…

  • Về kỹ năng mềm, người trợ lý phải thể hiện sự tự kỷ luật rất cao, có khả năng tổ chức và quản lý thời gian hiệu quả. Họ cần chủ động học hỏi, thích nghi và sáng tạo để đáp ứng các yêu cầu không ngừng thay đổi. Giao tiếp hiệu quả từ xa cũng là một kỹ năng thiết yếu, bao gồm khả năng viết và trình bày rõ ràng, lắng nghe tích cực và xây dựng mối quan hệ chuyên nghiệp.

  • Về kỹ năng chuyên môn, người trợ lý cần có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực công việc, có khả năng hỗ trợ trong các nhiệm vụ đi sâu về các ngách chuyên môn. Họ cần linh hoạt và sẵn sàng học hỏi thêm khi cần thiết.

  • Quan trọng hơn cả, người trợ lý từ xa cần thể hiện những phẩm chất như có trách nhiệm, trung thực và chủ động. Những đức tính này sẽ giúp họ xây dựng được sự tin tưởng và hợp tác hiệu quả với khách hàng từ xa của mình.


Lời cuối


Thông qua bài viết này, mình muốn gửi gắm đến bạn những kiến thức và trải nghiệm từ cá nhân mình khi là một người trợ lý từ xa với 2 năm kinh nghiệm. Công việc này thực sự đem lại những lợi ích không tưởng, nhưng cũng cần rất nhiều sự nỗ lực, thậm chí là sự đánh đổi. Nhưng từ đó mình cho rằng cũng đã tạo ra được những lợi thế cạnh tranh nhất định cho sự phát triển của một cá nhân.


Để biết nghề trợ lý từ xa có phù hợp hay không, hãy tự đặt câu hỏi ấy cho chính bản thân. Bởi mỗi người đều có những định hướng, con đường phát triển khác nhau. Nếu có dịp, hãy cho bản thân có cơ hội được trải nghiệm thì bạn sẽ đưa ra những cảm nhận rõ nét hơn.


Nếu bạn cần một hướng dẫn từng bước, một quy trình cụ thể để ứng tuyển thành công vị trí trợ lý từ xa thành công. Đừng quên tham khảo: Đập tan “nỗi ám ảnh” ứng tuyển: Cẩm nang vàng cho vị trí trợ lý từ xa (Remote Assistant).

6 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page