Nhớ lại thời gian ban đầu mày mò ứng tuyển vị trí trợ lý từ xa, gần như mình không thể tìm kiếm thấy bất kỳ nội dung hay ở đâu hướng dẫn tổng quan về quy trình ứng tuyển, chẳng hạn như những điều cần chuẩn bị là gì và định hướng cụ thể cho công việc sẽ như thế nào.
Đến nay mình đã là một trợ lý từ xa với 2 năm kinh nghiệm. Vậy nên, đây chính xác là những nội dung mà mình ước mình được ai đó chia sẻ cho mình sớm hơn.
Bài viết này sẽ giúp bạn có một cái nhìn về quy trình tổng thể cần làm gì, quy trình trông ra sao, các thông tin mà bạn nên biết. Mình tin những hướng dẫn này sẽ là bước đệm thật vững chắc để bạn có thể vững tâm ứng tuyển thành công và có được công việc trợ lý từ xa mà bạn mong muốn.
Một quy trình tổng thể
1. Nghiên cứu về nghề và bản thân
Nghiên cứu về nghề
Có kiến thức rõ ràng về nghề, về các nhiệm vụ, yêu cầu cần đảm nhận, cách thức hoạt động v.v chắc chắn sẽ giúp bạn tự tin hơn trong quá trình ứng tuyển và làm việc. Vậy nên, bước nghiên cứu là không thể bỏ qua. Làm sao chúng ta có thể “tay không đánh giặc” được?
Trợ lý từ xa hẳn là một công việc còn khá mới đối với nhiều bạn, đặc biệt là tại thị trường Việt Nam. Có rất ít nơi đề cập cụ thể về ngành nghề và công việc này.
Nếu bạn đã ấn vào bài viết này, hẳn bạn đã ít nhiều quan tâm đến công việc trợ lý từ xa. Đây là một số nguồn chất lượng và uy tín bạn có thể tham khảo:
Các bài viết chuyên môn của mình tại trang blog
Nghiên cứu về bản thân
Tại sao mình lại đề cập đến việc nghiên cứu về bản thân? Bởi vì cá nhân mình rất coi trọng việc bản thân có cảm thấy hạnh phúc khi làm việc mình đang làm hay không? Mình có cảm thấy mình được phát triển thông qua công việc này hay không?
Tóm lại, sức khỏe tinh thần là giá trị mình rất đề cao. Bạn có thể tự đặt ra những câu hỏi quan trọng để làm rõ ràng và sáng tỏ nơi bản thân, ví dụ:
Bạn cảm thấy thoải mái khi làm việc cùng một người hoàn toàn xa lạ đến và offer job, hay bạn sẽ thích làm việc cùng những cá nhân đã có ít nhiều quen biết, nằm trong vòng tròn mối quan hệ của bạn?
Bạn thích làm việc theo dự án (ngắn hạn), theo tháng (dài hạn)?
Bạn ưu tiên kiếm tiền, hay ưu tiên sự phát triển về mối quan hệ, sự phát triển về kinh nghiệm làm việc, tiềm năng bên trong chính mình?…
Bạn sẽ đi về ngách trợ lý nào trong loạt ngách trợ lý? (VD: Trợ lý cá nhân, trợ lý truyền thông, trợ lý đào tạo, trợ lý bán hàng, trợ lý nội dung, trợ lý dự án, trợ lý thiết kế, trợ lý tài chính, trợ lý hành chính…) Điều này sẽ phụ thuộc vào việc bạn nắm được những thế mạnh, điểm yếu của bản thân, có những trải nghiệm làm việc để đưa ra quyết định…
Bằng việc trả lời câu hỏi này, bạn sẽ biết được điều gì là quan trọng và được ưu tiên đề cao đối với cá nhân bạn. Sẽ không có đáp án đúng sai, chỉ có phù hợp với riêng bạn mà thôi.
Ngoài ra, khi đã trải qua hàng loạt giai đoạn phỏng vấn và ứng tuyển, mình nhận thấy khía cạnh hiểu thấu về bản thân đặc biệt quan trọng hơn cả.
Bởi ngoài những câu hỏi về khả năng chuyên môn, nhà tuyển dụng còn đặt ra rất nhiều câu hỏi liên quan đến cá nhân bạn để xác định xem liệu bạn có phải là người trợ lý phù hợp để đồng hành cùng họ lâu dài hay không. Ví dụ như:
Đâu là những giá trị mà bạn có và đang theo đuổi?
Đâu là những thế mạnh hoặc điểm yếu của bạn? Những điểm mạnh/ điểm yếu đó ảnh hưởng đến công việc của bạn như thế nào?
Bạn thường sử dụng những phương pháp nào để tổ chức công việc và quản lý thời gian của mình?
Đâu là các nguyên tắc làm việc của bạn?…
Bạn dự định sẽ đồng hành cùng vị trí này trong thời gian bao lâu?
Bạn thấy đấy, có rất nhiều câu hỏi nhà tuyển dụng có thể đặt ra để đào sâu vào con người và phong cách làm việc của một ứng viên. Nếu bản thân bạn không hiểu rõ về chính mình, chắc chắn sẽ rất khó để trả lời một cách tự tin, trơn tru và trung thực.
2. Tìm kiếm và xuất hiện ở nơi phù hợp
Câu hỏi mình nhận được khá nhiều khi chia sẻ rằng bản thân đang là freelancer có chuyên môn trong lĩnh vực trợ lý từ xa: Mình thường tìm việc ở đâu?
Có rất nhiều nguồn tuyển dụng mà bạn có thể tìm kiếm ở ngoài kia, tuy nhiên, sau đây là các cách mình nhận thấy hiệu quả và chất lượng có thể giới thiệu đến bạn:
2.1 Mối quan hệ chất lượng (networking)
Các cá nhân tuyển dụng:
Mình thường xuất hiện và theo dõi những nơi các cá nhân có nhu cầu tìm kiếm trợ lý từ xa, mà họ là những người nằm trong vòng tròn mối quan hệ của mình (chủ yếu là các solopreneur). Họ thường đăng bài viết tuyển dụng trực tiếp lên Facebook cá nhân của họ.
Bạn có thể bắt đầu bằng cách xác định đâu là khách hàng mục tiêu của bạn, họ có thói quen tuyển dụng, họ thường xuất hiện ở đâu, và bạn xuất hiện ở nơi đó để nắm bắt kịp thời các thông tin tuyển dụng quan trọng từ họ.
Sự truyền miệng:
Có phải bạn thường có xu hướng tin tưởng, lựa chọn đến một cửa hàng mà bạn bè bạn có những đánh giá tốt, bạn thường tin tưởng, lựa chọn xuống một món đồ mà bạn bè của bạn khen và giới thiệu cho hơn là một cửa hàng xa lạ? Đó chính là sức mạnh của sự truyền miệng. Trong marketing gọi đây là hiệu ứng Word-of-Mouth.
Trong công việc cũng vậy, bạn cung cấp dịch vụ trợ lý không chỉ cho một khách hàng, mà có thể bạn làm việc cùng với rất nhiều khách hàng khác nhau. Họ có thể liên lạc với nhau để xin cảm nhận, feedback của người khách hàng đã trải nghiệm dịch vụ của bạn để đưa ra quyết định cuối cùng. Vì vậy, từng khách hàng bạn làm việc cùng, từng tác vụ nhỏ mà bạn làm cũng có khả năng ảnh hưởng rất lớn đến những công việc tiếp theo mà bạn tham gia.
Ngoài ra, từ những mối quan hệ chất lượng mà bạn xây dựng, bạn hoàn toàn có thể nhờ họ giới thiệu dịch vụ của bạn đến nhiều người hơn nữa. Nếu họ tin tưởng bạn, nhìn thấy những gì bạn đang làm, họ sẽ không ngần ngại giới thiệu, kết nối bạn với những khách hàng tiềm năng của bạn trong tương lai.
Mình hiểu câu chuyện “Thiên cơ bất khả lộ”, nhiều bạn sẽ lựa chọn cách giữ kín những gì bạn đang làm, và âm thầm làm, không nói không rằng cho ai. Nhưng mình đã học được từ anh Mentor của mình một góc nhìn khác:
Hãy nói cho những người có khả năng hỗ trợ bạn.
Tin mình đi, sức mạnh của networking là rất lớn, bạn sẽ khó có thể hiểu được cho đến khi bạn thực sự trải nghiệm qua nó. Networking cũng chính là một loại tài sản.
2.2 Hội nhóm tuyển dụng
Hội nhóm, cộng đồng trợ lý là nơi vừa tập hợp các bạn trợ lý trao đổi, học hỏi, chia sẻ, cũng là nơi tập hợp của các khách hàng tiềm năng. Họ thường tham gia vào để âm thầm theo dõi đâu là bạn trợ lý có năng lực, có những tính cách phù hợp; ngoài ra, vào một thời điểm bất kỳ khi họ có nhu cầu tuyển dụng, họ sẽ thường đăng bài vào cộng đồng, hội nhóm này.
Một hội nhóm - có thể gọi là duy nhất về trợ lý từ xa mà mình tin tưởng tham gia, theo dõi và có thể tự tin gợi ý đến bạn: cộng đồng Bee A Remote Assistant
2.3 Tự “rao bán” bản thân
Có một cách thức vô cùng hữu hiệu nữa, thay vì bạn bị động liên tục đi tìm khách hàng, chờ đợi xung quanh giới thiệu, bạn hoàn toàn có thể chủ động thu hút họ.
Bằng cách:
Xây dựng hồ sơ chuyên nghiệp:
Chuẩn bị một CV/resume nổi bật với những thông tin quan trọng về kỹ năng, kinh nghiệm và thành tích của bạn.
Tạo một trang web cá nhân hoặc hồ sơ trên các nền tảng như LinkedIn/ Facebook… để thể hiện chuyên môn, công việc và khả năng của bạn.
Tận dụng sức mạnh của Internet và mạng xã hội:
Tham gia các diễn đàn, nhóm Facebook, LinkedIn liên quan đến lĩnh vực trợ lý ảo.
Đăng bài chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng hoặc những dịch vụ bạn có thể cung cấp.
Kết nối và tương tác với các chuyên gia, công ty trong lĩnh vực này.
Tiếp cận khách hàng tiềm năng:
Xác định những công ty, cá nhân có nhu cầu về dịch vụ trợ lý ảo.
Gửi email giới thiệu, đề xuất hợp tác với họ.
Bằng những thông tin bạn đã phô bày sẵn: Portfolio, CV công khai, một trang web hoặc một kênh mạng xã hội tạo nội dung có chủ đích, một lời đề nghị hấp dẫn…
Bằng cách này, họ sẽ dễ dàng và nhanh chóng đưa ra quyết định, hoặc tự tìm đến và gửi lời đề nghị. Họ có sự ưu tiên dành cho bạn so với những bạn trợ lý khác chưa có bất kỳ một thông tin nào sẵn có để tham khảo.
3. Chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển
Để ứng tuyển thành công, các dữ liệu thông tin bạn gửi đi đến nhà tuyển dụng đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Vì vậy, bạn sẽ cần phải chuẩn bị thật chỉn chu từ trước.
Chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển:
Chuẩn bị một bản CV/resume/ Portfolio nổi bật, cập nhật đầy đủ thông tin về bản thân.
Viết thư giới thiệu/xin việc ngắn gọn, đầy thuyết phục.
Chuẩn bị các giấy tờ, chứng chỉ, portfolio làm minh chứng cho năng lực.
Lưu ý: Những nội dung ứng tuyển cần được cá nhân hóa, liên quan đến vị trí ứng tuyển, được thực hiện đúng theo yêu cầu tuyển dụng, luôn luôn kiểm tra lần 2, lần 3 tất cả thông tin trước khi gửi đi.
Nếu bạn hỏi mình Người trẻ không có kinh nghiệm thì cạnh tranh bằng cách nào? Bài viết này, mình mang đến cho bạn những góc nhìn mới và giải pháp để giải quyết vấn đề trên. Mời bạn tham khảo thêm!
4. Chuẩn bị cho vòng phỏng vấn
Trong trường hợp bạn tiếp tục được bước vào vòng phỏng vấn để trao đổi, đây là 3 yếu tố bạn cần chuẩn bị: Các câu hỏi phỏng vấn, không gian và tinh thần.
4.1 Chuẩn bị các câu hỏi phỏng vấn
Phỏng vấn chính là cơ hội để bạn làm quen và kết nối nhiều thêm với khách hàng của mình, cũng như hiểu thêm về công việc bạn đang ứng tuyển và sẽ đảm nhận. Trong trường hợp ngược lại, cũng là cơ hội để nhà tuyển dụng được hiểu thêm về con người của bạn, sự phù hợp của đôi bên, cũng như xem xét những năng lực bạn có để đáp ứng công việc.
Vậy nên, việc chuẩn bị các câu hỏi phỏng vấn là sự chuẩn bị không thừa thãi. Bạn có thể dự đoán trước các câu hỏi nhà tuyển dụng có thể hỏi, cũng như loạt câu hỏi bạn sẽ đặt ngược lại cho nhà tuyển dụng.
Việc chuẩn bị các câu hỏi phỏng vấn mang lại rất nhiều lợi ích cho ứng viên khi tham gia vào quá trình phỏng vấn như:
Thể hiện sự chủ động tìm hiểu, quan tâm và nghiêm túc với công việc của bạn
Kiểm soát được diễn biến của buổi phỏng vấn
Thể hiện được kiến thức và năng lực qua việc trình bày, giao tiếp rõ ràng, mạch lạc, đúng trọng tâm
Giảm bớt áp lực, căng thẳng, gia tăng sự tự tin và chủ động
Khi có sự chuẩn bị, bạn dễ dàng xem xét và đo lường được hiệu quả của việc chuẩn bị này, từ đó giúp bạn rút ra bài học kinh nghiệm cho lần phỏng vấn tiếp theo.
4.2 Chuẩn bị không gian phỏng vấn
Bạn chỉ có 30-45 phút để trao đổi và thể hiện mình với nhà tuyển dụng mà thôi. Chắc chắn bạn không muốn những yếu tố không mong muốn ảnh hưởng đến buổi phỏng vấn này nhỉ? Vậy nên bạn sẽ phải giảm thiểu hoặc lường trước được những rủi ro có thể xảy ra để phòng tránh nó một cách tốt nhất.
Lựa chọn địa điểm phù hợp:
Chọn một địa điểm yên tĩnh, ít tiếng ồn và có không gian riêng tư để cuộc phỏng vấn diễn ra thoải mái.
Thường trợ lý chúng ta sẽ phỏng vấn trực tuyến, hãy chọn một không gian yên tĩnh, có kết nối internet ổn định và ánh sáng phù hợp.
Chuẩn bị thiết bị:
Nếu phỏng vấn trực tuyến, hãy chuẩn bị máy tính, webcam, micro hoạt động tốt và kiểm tra kết nối internet.
Đảm bảo mọi thiết bị được sạc đầy hoặc có sẵn nguồn điện dự phòng.
Kiểm tra âm thanh, đảm bảo không có những tiếng ồn, cản trở.
Tạo không gian thoải mái:
Sắp xếp bàn, ghế để tạo không gian thoải mái và chuyên nghiệp.
Loại bỏ các vật dụng không cần thiết, giữ gọn gàng và sạch sẽ.
Chuẩn bị một ly nước sạch để sẵn sàng phục vụ nếu cần.
Chuẩn bị bút và giấy để ghi chép nếu cần.
Kiểm tra lại trước khi bắt đầu:
Kiểm tra lại toàn bộ không gian, thiết bị một lần nữa trước khi bắt đầu cuộc phỏng vấn.
Đảm bảo mọi thứ đã sẵn sàng và bạn cảm thấy thoải mái.
Có thể tham gia phòng họp trước 5 phút để sẵn sàng và phòng khi có trục trặc
4.3 Chuẩn bị tinh thần phỏng vấn
Tinh thần bạn mang khi bước vào buổi phỏng vấn nói không ngoa khi nó quyết định phần nào kết quả của buổi phỏng vấn ấy.
Khi chưa có nhiều kinh nghiệm hay trải nghiệm làm việc, chúng ta sẽ mang trong mình rất nhiều nỗi tự ti về bản thân. Thậm chí là tỏa ra cảm giác tuyệt vọng (desperate).
Hãy tưởng tượng một người nào đó theo đuổi bạn với tâm thế all-in một cách tuyệt vọng, tự ti, dai dẳng, họ không có lựa chọn nào khác, bạn có muốn nhận lời đồng ý họ hay không?
Tuy nhiên, sự tự tin này được gây dựng bằng cả một quá trình không dễ dàng gì. Thú thật, thời điểm ban đầu mình đã từng rất run rẫy, tự ti, nghĩ rằng nếu mình bị loại, thì chẳng còn cơ hội nào khác.
Theo thời gian trau dồi bản thân và làm việc, mình biết năng lực và giá trị của mình ở đâu, mình tìm kiếm điều gì, mình có thể và chưa thể đáp ứng được ở những yêu cầu nào. Từ đó, mình tự tin với năng lực mình có, những giá trị mình có thể trao đi. Nó toát ra từ cách mình giao tiếp, cách mình tư duy, cách mình biểu hiện ngôn ngữ cơ thể, trong giọng nói và âm lượng nói chuyện…
Nếu bạn là một người mới hoàn toàn, mình có thể gợi ý bạn:
Luyện tập trả lời trước các câu hỏi phỏng vấn: Bạn có thể tự luyện tập hỏi, tự trả lời, hoặc nhờ bạn bè, mentor có thể hỏi đáp cùng bạn. Đây là một mẹo mình thấy khá hữu ích vì khi nhìn lại cuộc phỏng vấn gần đây nhất của mình, mình không chuẩn bị quá kỹ càng, nhưng vẫn trả lời được suôn sẻ, và trôi chảy bởi nhờ việc tối hôm trước buổi phỏng vấn, mình đã tự luyện tập trả lời các câu hỏi phỏng vấn. Dường như các thông tin ấy vô tình in sâu và tiềm thức của mình vậy.
Nghe bản nhạc nâng cao tinh thần: Mở những bài nhạc sôi động để up mood của mình lên. Bạn thử xem sao, có thể nó cũng hiệu quả với bạn đó! Bạn có thể tham khảo playlist “Queen vibes only” của mình thử xem sao^^^
Ở bên cạnh những người bạn mong muốn điều tốt đẹp đến với mình: Họ sẽ là người tĩnh tâm nhất ở cạnh để trấn an tinh thần của bạn, cổ vũ cho bạn, kề vai sát cánh cùng bạn xuyên suốt thời gian chuẩn bị phỏng vấn.
5. Theo dõi và phản hồi kịp thời sau phỏng vấn
5.1 Gửi mail after interview
After Interview Letter - hay còn được gọi là thư cảm ơn sau buổi phỏng vấn là một mẹo ai cũng nhắc đến, nhưng rất ít người làm theo. Cá nhân mình làm điều này không chỉ là để “gây ấn tượng phút 90”, mà còn thể hiện sự tôn trọng, trân trọng thật sự khi được kết nối và gặp gỡ nhà tuyển dụng ấy cho dù mình được đậu hay không.
Vì vậy, sau buổi phỏng vấn, bạn đừng quên chuẩn bị và gửi đi một bức thư cảm ơn nhà tuyển dụng vì đã dành thời gian cân nhắc CV của chúng ta, cũng như dành thời gian cho buổi phỏng vấn vừa rồi.
Một lời cảm ơn thật sự chẳng mất gì nhiều, thay vào đó lại “được” rất nhiều. Vậy nên, bạn đừng quên gửi đi một bức thư cảm ơn thật chỉn chu và chân thành nhé!
Bạn có thể tìm hiểu thêm về bài đăng này trên Threads để hiểu hơn về lợi ích của Mail After Interview
5.2 Xử lý lời từ chối
Mình hiểu câu chuyện nhận được thư từ chối sau bao thời gian, công sức và sự nỗ lực đã bỏ ra thật sự là một điều không dễ dàng gì để đối mặt. Cá nhân mình, trước khi nhận được những lời đồng ý, thì cũng đã phải đối mặt với kha khá sự từ chối. Vậy nên mình hiểu thấu cảm xúc này hơn ai hết:
Sau đây sẽ là những cách mình an ủi bản thân và nhanh chóng tìm ra hướng giải quyết về tinh thần và hành động.
Suy nghĩ về lý do bị nhận lời từ chối:
Chắn chắn rồi, mình không thể bỏ qua bước đăm chiêu suy nghĩ và buồn bã về nó. Có khi mình nghĩ đó là vì mình không chứng minh được mình có thời gian để đáp ứng được công việc như yêu cầu; có khi mình nghĩ là vì mình chưa đủ cứng để phù hợp với vị trí công việc; có khi sẽ là vì ngách mà người tuyển dụng đang theo đuổi lại không phù hợp với mình nên cả hai khó để đồng hành lâu dài cùng nhau. Có thể những dự đoán của mình là đúng, hoặc sai. Nhưng mình chấp nhận việc cho bản thân có cơ hội để dừng lại và suy nghĩ sâu sắc hơn về những lời từ chối này.
Cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra
Mình đã rèn luyện được một tư duy mình nghĩ ai cũng nên có, đó là: Luôn luôn có điều tốt hơn đang trên đường đến với mình. Mình từng có niềm tin giới hạn rằng nếu không có được người này thì mình sẽ không tìm được ai tốt hơn, nếu không có công việc này thì mình sẽ không bao giờ tìm thấy được công việc nào khác v.v
Nhưng không! Chúng ta hãy học cách tha thứ và buông bỏ những điều cũ kỹ và dành khoảng trống cho những điều tốt hơn có thể bước vào. Thật vậy, đối với vị trí trợ lý cá nhân mà nói, mình đã trải qua 4 cuộc ứng tuyển (trong đó có 3 cuộc được vào phỏng vấn; 1 cuộc bị loại ngay từ vòng duyệt CV) trước khi nhận được các vị trí VA như hiện tại.
Hãy xem đây là cơ hội để được thử nghiệm:
Thuở còn newbie, mình luôn ứng tuyển với tâm thế xem đây là những cơ hội để mình trải nghiệm việc làm CV, portfolio, cover letter, viết email ra sao; hay thậm chí bước vào phỏng vấn thì cần chuẩn bị những gì, giao tiếp và trả lời với nhà tuyển dụng ra sao, làm gì sau khi ứng tuyển, được gặp gỡ nhà tuyển dụng - có được một sự kết nối mới v.v
Mình xem tất cả đều là trải nghiệm giúp mình trở nên cứng cáp và tự tin hơn qua từng đợt ứng tuyển, từ đó nâng cơ hội mình được đậu job hơn. Không những thế, mới có một Quỳnh Thy ngồi đây đóng gói và đúc kết lại cho bạn đọc.
Gửi thư cảm ơn:
Cho dù thế nào, cũng đừng quên gửi lại đến nhà tuyển dụng một lá thư cảm ơn vì đã dành thời gian cân nhắc, xem xét hồ sơ của bạn. Nếu được, hãy giữ mối quan hệ và sự liên lạc với nhà tuyển dụng ấy. Vì bạn không thể biết trước được tương lai, mối nhân duyên này sẽ tiến xa đến đâu đâu^^^ tin mình đi.
5.3 Xem xét và xác nhận lời đề nghị
Nếu bạn là “người được chọn” cho vị trí mà bạn đã dày công dành thời gian ứng tuyển, mình xin chúc mừng bạn. Sau khi được xem xét và đưa ra quyết định, bạn sẽ nhận được một lá thư/ thông tin xác nhận lại lời đề nghị.
Bởi không chỉ sếp được lựa chọn bạn, mà bạn cũng có quyền được lựa chọn sếp và công việc bạn làm. Bạn sẽ phải xem xét lại một lần nữa bằng cách tự đặt ra các câu hỏi phản tư:
Dựa trên kinh nghiệm và năng lực của bạn, bạn đánh giá mức độ khối lượng công việc của vị trí này như thế nào? Bạn cảm thấy khối lượng công việc của vị trí này có hợp lý với bạn và với mức lương thưởng hay chưa?
Theo bạn, những định hướng và trách nhiệm của công việc này có phù hợp với mong muốn và thế mạnh của bạn không? Công việc này đã phù hợp với giá trị và mục tiêu nghề nghiệp của bạn hay chưa?
Môi trường làm việc và văn hóa công ty có phù hợp với tính cách, sở thích của bạn không? Bạn có cảm thấy thoải mái khi làm việc tại đây hay không?
Công việc này có mang lại cho bạn cơ hội để học hỏi những kỹ năng mới và phát triển bản thân không?
Bạn có cảm thấy bản thân phù hợp và có thể đồng hành lâu dài với công ty hay không?
6. Bắt đầu công việc trong vai trò mới
Đến đây, bạn đã dần bắt đầu công việc trong vai trò và một hành trình hoàn toàn mới. Lúc này, bạn sẽ cần:
Chuẩn bị mọi thứ cần thiết để bắt đầu công việc một cách chuyên nghiệp.
Nhanh chóng làm quen với công việc và các tác vụ mới.
Trong quá trình làm việc, hãy liên tục cải thiện hiệu suất, học hỏi thêm kỹ năng và duy trì sự giao tiếp tích cực với khách hàng của mình.
Lời cuối
Hy vọng những hướng dẫn này sẽ là một chiếc la bàn định hướng, hỗ trợ bạn trong việc chuẩn bị cho công cuộc ứng tuyển thành công vị trí trợ lý từ xa. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào khác về công việc này, đừng ngần ngại để lại bình luận cho mình nhé!
Comments